Nhiếp ảnh đường phố hay chụp ảnh đường phố là sự lựa chọn đầu tiên cho những ai mới tập tành học chụp ảnh. Tuy nhiên, không phải bạn cứ xách máy ảnh ra đường “tách tách” là có thể nhanh chóng lên tay nghề. Hoàn toàn sai! Bởi vì nhiếp ảnh đường phố là một nghệ thuật giống như bạn chụp phong cảnh, sự kiện hay chân dung, thể hiện được cái hồn của tranh ảnh mới là thành công!
“Nếu bạn có thể ngửi thấy mùi của một đường phố bằng cách nhìn vào bức ảnh, thì đấy là nhiếp ảnh đường phố!”
Trong bài viết hôm nay, tôi xin chia sẻ sâu hơn về nghệ thuật nhiếp ảnh đường phố!
Hiểu đúng về nhiếp ảnh đường phố
Khi nhắc về nhiếp ảnh đường phố, thoạt tiên, chúng ta sẽ nghĩ đến hình ảnh con người hay xe cộ. Chỉ cần xách máy bước xuống đường là có thể chụp được hàng trăm kiểu ảnh khác nhau đường phố nhưng đó vẫn chưa phải là nhiếp ảnh đường phố. Ở một mức độ nào đó, nó làm chúng ta hiểu nhầm về ý nghĩa thật sự của nhiếp ảnh đường phố và độ phức tạp tinh vi của môn nghệ thuật này.
Nhiếp ảnh đường phố chính là chụp lại những khoảnh khắc chân thật nhất của cuộc sống. Đây là một cách để chúng ta thể hiện những thứ xung quanh mình và mối liên hệ của con người với môi trường xung quanh. Chúng ta đang lọc lại những gì mình thấy và tìm kiếm những khoảnh khác đẹp, sau đó chia sẻ chúng với người khác. Nó giống như một giấc mơ vào ban ngày cùng với chiếc máy chụp hình.
Những bức ảnh đường phố không cần thiết phải có sự xuất hiện của con người hay phải được chụp tại một thành phố hoặc cảnh sinh hoạt tấp nập. Ngược lại, chúng có thể được chụp bất cứ nơi đâu miễn sao có nội dung và cách thể hiện sinh động, không bị gò bó bởi bất cứ yêu cầu nào. Nó có thể là bức ảnh của bữa tiệc liên hoan Trung thu ngoài trời của một khu phố hay thậm chí chỉ là hình ảnh nhà thờ Đức Bà quá quen thuộc trong lòng người Sài Gòn, nhưng trong những thời điểm khác nhau, mang đến cho chúng ta những vẻ đẹp và cảm xúc riêng. Đó chính là một trong những nét hấp dẫn nhất của nhiếp ảnh đường phố.
Đường phố là một nơi công cộng và ai cũng có thể sử dụng miễn là không vi phạm pháp luật. Nhiếp ảnh đường phố cũng vậy. Đó là những bức ảnh mà ai cũng có xem được cũng như chụp dễ dàng. Bạn không cần đầu tư máy chụp ảnh đắt tiền hay một studio hoành tráng, dàn ánh sáng chuyên nghiệp hoặc những cô người mẫu xinh đẹp. Tất cả những thứ tuyệt vời nhất đều có sẵn “trên đường” và nó tùy thuộc vào cách chúng ta thể hiện trong bức ảnh.
Thêm vào đó, thông số chụp ảnh ngoài trời luôn được chú trọng trong tất cả loại hình nhiếp ảnh, duy chỉ có kỹ thuật chụp ảnh đường phố là vô cùng tự do. Một bức ảnh về cảnh vật thiên nhiên thì cần độ nét vì chúng sẽ được in ra với kích thước to và chất lượng kỹ thuật tốt. Với những loại hình này, bạn có thể chọn một địa điểm hoàn hảo, dàn dựng và chọn những thiết bị hỗ trợ đắc lực nhất, bạn sẽ căn chỉnh cho đến khi nào bắt được một bức ảnh đẹp với hiệu ứng ánh sáng chuẩn nhất. Nhưng với nhiếp ảnh đường phố, bạn lại không cần làm những công việc phức tạp trên. Một bức ảnh đẹp nhất có thể chỉ là hình ảnh ai đó đang nhâm nhi ly café thân quen mỗi sáng. Sự tự do, không gò bó chính là những gì mà nhiếp ảnh đường phố thể hiện. Có lẽ vì vậy mà kể cả một bức ảnh li ti chấm nhỏ, không đủ sáng hay chưa có “tiêu điểm” (focus) hoàn hảo thì vẫn toát lên vẻ đẹp – đó là vẻ đẹp chân chất của cuộc sống.
Tôi tin rằng sẽ chẳng ai có thể dạy bạn chụp ảnh đường phố một cách bài bản như những loại hình khác bởi bạn cần sự nhạy cảm bản năng, sự kiên trì bên cạnh một vài kỹ thuật cơ bản. Xuất phát điểm của bạn cũng giống bất cứ thợ chụp ảnh nào. Thứ duy nhất khác biệt giữa bạn và họ chính là thời gian. Thời gian chờ đợi những khoảnh khắc ấn tượng xảy ra, quan sát, ghi nhớ và cải thiện kĩ năng theo từng ngày.
Đạo đức và nhiếp ảnh đường phố
Nhiếp ảnh đường phố nghe có thể là một danh xưng hay, tuy nhiên chúng ta không thể phủ nhận rằng một phần của nó chính là sự xâm phạm quyền riêng tư của những người khác. Khi bạn xuống đường- sẽ chẳng ai để biển cấm chụp hình tuy nhiên điều này không có nghĩa là mọi người xung quanh đều thoải mái cho phép bạn chụp hình họ. Đây là điều bạn phải đối mặt khi muốn chụp ảnh đường phố. Với mỗi bức ảnh bạn chụp, dù là đẹp đến đâu nhưng không phải ai cũng thích xuất hiện trong đó.
Đây chính là nguyên tắc đạo đức khi chụp ảnh đường phố mà tôi muốn đề cập với bạn. Bạn sẽ không thể dừng lại hỏi tất cả mọi người rằng “tôi có thể chụp ảnh anh chị được không?” hay “tôi có thể chụp hình chú chó của anh chị không?” nhưng trong những trường hợp cho phép, hãy cố gắng để hỏi vì đó là cách bạn thể hiện sự tôn trọng đối với nhân vật của mình, mặt khác, bạn cũng sẽ tránh được những xung đột không đáng có. Nếu nhân vật từ chối, bạn hãy học cách để chấp nhận. Đa phần chúng ta đều thích chụp ảnh đường phố có yếu tố con người bởi vì nó thể hiện một nền văn hóa. Quang cảnh xung quanh phối hợp cùng con người qua cách ăn mặc, nếp sống có thể cho bạn biết: đây là thời đại nào? Nền văn hóa nào? Chúng sẽ là những tác phẩm mang giá trị văn hóa – một giá trị không ai có thể phủ bỏ được.
Luật pháp và nhiếp ảnh đường phố
Trong quá trình làm việc các bạn phải tự nghiên cứu luật lệ ở từng quốc gia hay địa phương. Ở nước ngoài thì có thể phức tạp nào là liên quan đến nhân quyền, quyền riêng tư…. Còn ở Việt Nam thì thoải mái hơn nhiều. Bạn chỉ cần chú ý đến những địa điểm bị cấm chụp hình, ngoài ra thì chưa có điều luật nào liên quan đến nhiếp ảnh đường phố. Trường hợp xấu nhất chính là bạn vô tình chụp lại khoảnh khắc riêng tư của một ai đó, điều này có thể liên quan đến pháp luật. Tuy nhiên bạn có thể nhanh trí làm mờ khuôn mặt của họ.
Một khía cạnh khác, bạn có tùy ý sử dụng những bức ảnh chụp nơi công cộng để dùng cho mục đích nghệ thuật nào đó mà không cần quan tâm bản quyền. Tức là bạn cũng có thể in ra để bán hoặc dùng chúng để minh họa cho sách, báo. Nhưng bạn sẽ phạm luật nếu sử dụng hình ảnh của một ai đó phục vụ thương mại hay quảng cáo mà chưa được phép, hoặc chưa có bản quyền từ người đó. Không được sử dụng hình ảnh cá nhân của một ai để quảng bá sản phẩm của mình. Bạn cũng không được sử dụng nó để ám chỉ điều gì chống lại người khác. Đó là sai trái và Pháp luật sẽ không dung thứ.
Ở Việt Nam, sở thích chụp ảnh đường phố cũng bắt đầu nở rộ. Các bạn có thể dễ dàng tìm được một nơi thích hợp để nâng cao tay nghề như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt v.v… Bạn có thể đi bất cứ đâu bạn thích nhé nhưng hãy luôn nhớ là phải tìm hiểu kĩ con người và địa phương nơi mình tới.